Mẫu Sơn hè gọi

TTO - Cùng với Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà, Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là một điểm đến nghỉ dưỡng, tham quan thú vị cho du khách mỗi khi hè về. Mẫu Sơn những ngày này đang trở mình với màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng hòa quyện vào mây trời.

Dừng chân nghỉ ngơi một lát tại thành phố Lạng Sơn, sau đó bắt đầu lên đường rẽ vào quốc lộ 4B, đi khoảng 30km sẽ tới chân núi Mẫu Sơn. Thời tiết nóng bức gần 40 độ C vào ban ngày ở dưới đồng bằng, nhưng khi đặt chân tới những cánh rừng xanh tươi ở Mẫu Sơn ai cũng cảm thấy trong người như dịu mát hẳn.

Vào mùa hè, các đoàn xe từ khắp đồng bằng Bắc bộ lại rồng rắn kéo nhau lên Mẫu Sơn nghỉ mát, thưởng ngoạn. Đoạn đường lên núi dài 15km được xem là gian nan và khó khăn nhất với những khúc cua lượn, gấp khúc liên tục. Với những tay lái cừ khôi nhất cũng chỉ dám đi với tốc độ 15-20 km/giờ.

Từ cao nhìn xuống, con đường lên núi như những sợi chỉ trắng uốn lượn

Dọc hành trình với một bên là vách núi dựng đứng còn bên kia vực sâu thăm thẳm. Nhưng cũng chính cảnh đó đã tạo ra một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Những người yêu cái đẹp sẽ không thể nào kìm được lòng mà phải thốt ngay bao ngôn từ cảm xúc khi bắt gặp đôi bông lau rừng mơn man cùng gió trong ánh nắng vàng, những đám mây vờn trong núi…

Đôi khi xa xa dưới chân thung lũng ta lại bắt gặp những người dân tộc Dao Đỏ đang cặm cụi cày cuốc trên thửa ruộng bậc thang. Những nếp nhà tỏa làn khói nghi ngút, minh chứng cho một cuộc sống bình yên và đầm ấm đang hiện hữu nơi này.

Trên con đường quanh co, gập ghềnh đó chúng ta cũng bắt gặp bên sườn núi những nền biệt thự, nhà nghỉ cổ từ thời Pháp thuộc. Có những ngôi biệt thự còn nguyên bốn bức tường bằng đá với nét rêu phong phủ màu thời gian, sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt như minh chứng cho một vẻ đẹp bền chắc và lãng mạn của nghệ thuật kiến trúc.

Những bông lau rừng đung đưa trong gió và nắng vàng

Càng lên gần tới đỉnh, mây xuất hiện càng nhiều. Thỉnh thoảng một đám mây mang hơi nước bay qua cơ thể, không kịp để mọi người nhận ra. Và khi cái nóng oi ả dưới đồng bằng biến mất cũng là lúc đỉnh Mẫu Sơn hiện ra.

Leo được đến đỉnh núi, ai cũng cảm thấy mệt nhoài nhưng vẫn cố chạy bay lên chòi nhà cao nhất trên đỉnh để đưa tầm mắt chiêm ngưỡng đoạn sông Kỳ Cùng uốn lượn chảy bên nước bạn Trung Hoa (đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể thấy cảnh này).

Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật trên đỉnh Mẫu Sơn và phát hiện hai điều rất độc đáo về kiến trúc đá nơi đây là mộ đá lớn (cự thạch) và đền thờ bằng đá. Ngoài ra còn có rất nhiều di vật lịch sử có giá trị khác.

Nhiều công trình đá cổ ở đây có niên đại từ thời đồ sắt, trùng với thời kỳ đầu của nền văn minh sông Hồng. Tuy nhiên cho đến nay công tác bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đỏi hỏi các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa cổ ở vùng núi Mẫu Sơn.

Ngắm cảnh thỏa thích, mọi người bắt đầu rủ nhau đi tắm lá thuốc, thưởng thức thịt lợn rừng quay và uống rượu Mẫu Sơn... Không chỉ thưởng thức tại chỗ, khi về khách du lịch đến Mẫu Sơn thường cố mua một ít mật ong, vài ký đào cùng đôi nhánh lan rừng như một "đặc sản" làm quà.

Lân la chuyện trò với những người Dao đi bán mật ong rừng, bạn sẽ nghe câu truyền thuyết được người dân tộc Dao Đỏ nơi đây truyền miệng: Trong một chuyến đi săn thú rừng, một người đàn ông Dao Đỏ ở bản Lặp Pịa (huyện Lộc Bình) đã mang một phiến đá có hình thù kỳ quái trên đỉnh núi Mẫu về nhà để dùng cho việc bếp núc. Ngay sáng hôm sau khi tỉnh giấc, người đàn ông phát hoảng khi nhìn thấy những giọt máu đang loang đỏ chảy ra từ phiến đá... Sợ quá, ông liền vác phiến đá trả lại đỉnh núi và cầu xin thần linh tha thứ.

Truyền thuyết ấy cứ lưu truyền trong tộc người Dao từ đời này sang đời khác. Họ kể cho nhau nghe như một lời cảnh tỉnh thế hệ sau không được phép lấy cái gì cũng như làm tổn hại núi Mẹ.

Với người Dao, nơi đặt phiến đá thiêng đó cùng với khu vực phụ cận đã trở thành lãnh địa linh thiêng bất khả xâm phạm. Và với người Dao Đỏ Mẫu Sơn, đó là một nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất đặc biệt. Cũng chính từ truyền thuyết trên, nhiều khu đền thờ bằng đá đã ra đời ở Mẫu Sơn.

Đỉnh Mẫu Sơn với độ cao 1.541m, bốn mùa mây mù bao phủ

Người Dao Đỏ cặm cụi làm việc trên thửa ruộng bậc thang

Tấm biển ghi “khu vực biên giới" cùng nội quy ra vào

Những vách tường đá của biệt thự, nhà nghỉ thời Pháp thuộc còn sót lại

Một khu nhà hàng, khách sạn trên đỉnh Mẫu Sơn

Bài, ảnh: HẢI DƯƠNG

Share on Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét