Sản phẩm của làng gốm Kim Lan rất phong phú và đa dạng như bình, vại, chậu cảnh, lư hương, chén, bát, ống đựng tăm… từ bình dân đến cao cấp.
Nói đến làng gốm cổ của Hà Nội, mọi người thường nhắc đến Bát Tràng mà không mấy ai biết rằng còn một nơi khác mang tên Kim Lan.
Làng gốm cổ này thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội chỉ cách làng Bát Tràng dòng kênh Bắc Hưng Hải. Dựa vào những di vật khai quật được ở làng thì nghề gốm ở đây có trước cả Bát Tràng.
Sản phẩm của làng Kim Lan xuất hiện nhiều trên thị trường gốm sứ trong nước nhưng nghề ở đây đang có xu hướng mai một, vì khâu xây dựng thương hiệu khá yếu cũng như đường sá giao thương khó khăn.
Kim Lan như một “ốc đảo” khi nằm lọt thỏm vào phần đất của tỉnh Hưng Yên. Địa giới của xã bị chia cắt khi một mặt giáp con kênh Hưng Hải và mặt kia giáp với Bát Tràng.
Các nghệ nhân làng gốm Kim Lan cùng với Phù Lãng, Bắc Ninh và Bát Tràng, Hà Nội đang góp phần làm phong phú, đa dạng và phát triển nghề gốm khu vực phía bắc.
Làng Kim Lan còn được biết đến là nơi sản xuất đồ gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long xưa.
Các lò nung gốm ở đây thường bé. Điểm đặc biệt của gốm Kim Lan là các sản phẩm không quá cầu kỳ về chi tiết mà tạo được sự tiện dụng, thoải mái cho người dùng.
Sản phẩm chính của làng gốm Kim Lan chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể tìm thấy các sản phẩm như bình, vại gốm, chậu cảnh, lư hương cho đến chén, bát, ống đựng tăm… từ bình dân đến cao cấp.
Kim Lan vốn là một làng nghề trú phú nhưng theo dòng chảy của thị trường, sự phát triển có lúc thăng trầm, làng nghề bị quên lãng vào khoảng thế kỷ 17. Gần đây, làng gốm cổ đang dần phục hồi trở lại.
Gốm Kim Lan được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” ngay bên cạnh ngôi làng nổi tiếng Bát Tràng.
Dù đang gặp phải nhiều khó khăn, những con người nơi mảnh đất ven sông này đang nỗ lực để phục dựng và bảo tồn làng nghề đúng với giá trị của nó.
Lê Thương
Ảnh: Nghiêm Phú Lâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét