Sau những ngày tất bật nơi phố phường, một chiều cuối tuần, chúng tôi rủ nhau chạy về với Cúc Phương, tự thưởng cho mình một ngày nghỉ ngơi thực sự
Vẻ khoáng đạt bao la của đại ngàn bao quanh với màu xanh mát rượi tầm mắt khiến người ta quên hết những mệt mỏi của cả chặng đường dài trước đó. Gần 120km để đến được với Cúc Phương chứ có ít gì, vậy mà dường như những bụi đường tan biến khi bước chân vào bạt ngàn rừng xanh.
Đường vào rừng zic zắc lên lỏi xuyên qua những tán cây. Cái nắng thu cuối chiều đã nhạt nhường chỗ cho màn sương mỏng đã bảng lảng trong không gian tự bao giờ. Đâu đây, vẳng nghe tiếng lũ chim ríc ríc gọi nhau về tổ, tiếng chú côn trùng lẩn mình trong đám cỏ xanh. Đêm rừng xuống thật nhanh và bóng tối đã nhanh chóng lan tỏa khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thảm rừng già. Con đường thưa thớt ánh đèn trong đêm vắng. Từ cửa rừng vào đến giữa rừng khoảng 20km, không phải là quãng đường dài lắm, nhưng vì cái thi vị của một đêm chạy xe trong tiếng gió rì rào không ngớt như bài ca không bao giờ kết thúc của rừng khiến chúng tôi không vội đi nhanh. Những chiếc xe nối đuôi nhau quét những mảng ánh sáng dìu dịu sang hai bên. Đường mỗi lúc một dốc hơn, rừng mỗi lúc một rậm rạp hơn và thưa vắng hơn. Sương đêm đủ là se lạnh những cánh tay và gió đêm đủ làm những đôi bàn tay thêm nhấn sâu vào túi áo cho đỡ lạnh.
Tôi đã có nhiều lần chạy đến với Cúc phương chỉ để có chút thời gian hít hà lấy hương vị của rừng. Giữa không gian thoáng đãng mà mát mẻ của hàng trăm ngàn loài cây, đôi lúc hứng thú đi bộ trong những con đường mòn nhỏ, tìm đến những loài cây quý hiếm trong khu rừng rậm rạp, đôi ba lần chạy xe đạp đùa nghịch, sung sướng hưởng cái khí trời tươi mới này. Có nhiều khi chẳng đi đâu xa, chỉ đung đưa nhịp chân trên trước xích đu ngay trước khu nhà nghỉ, nheo mắt cười với ảnh mặt trời đang nhảy nhót xuyên qua những tán lá.
Ánh đèn điện trong căn nhà gỗ mộc mạc le lói sau những hàng cây. Không quá sáng và cũng không cố tình làm sáng bừng cả không gian. Ngôi nhà gỗ nằm sâu giữa rừng hòa mình thân thiện với cánh rừng. Đêm, trong ban công gỗ nhỏ của ngôi nhà nghỉ giữa xung quanh là rừng, tách trà ấm cúng với câu chuyện của những người bạn. Sương xuống se sẽ lạnh đôi vai gày, cái nắm tay ấm áp. Mùi gỗ trầm hương, đinh tử hương cùng hồi, quế phảng phất từ chiếc lư nhỏ trong ánh nến vàng óng như mật. Gió nhè nhẹ, không đủ làm tắt nến, chỉ khiến gỗ thêm thơm, câu chuyện dài thêm đượm. Ngoài khoảng không rừng già, thoang thoảng hương ngai ngái của đất, của gỗ và của sương. Rừng ôm trọn lấy những con người trong nó và câu chuyện không bao giờ dứt, để rồi tiếng côn trùng rỉ rả đưa ta vào giấc ngủ tự khi nào.
Rừng đánh thức người khách lữ hành bằng bài hát của con chim sơn ca. Tiếng ríu rít líu lo khiến những kẻ hay ngủ nướng nhất cũng phải tựa tay chống cằm thưởng thức. Trong điệu hát, có niềm vui ca ngợi mặt trời, có nụ cười hân hoan của đôi lứa hạnh phúc, có khúc ca chào đón của rừng già. Lảnh lót.
Cả cánh rừng Cúc Phương như vừa được gột rửa sau một đêm tắm đẫm sương sớm. Ánh sáng ban mai tô điểm cho những hạt sương và cuộc sống bừng lên dưới ánh nắng mặt trời. Nhánh cây nhỏ khe khẽ gãi những đôi chân trần.
Một đàn bướm vàng rồi bướm trắng xà mình dưới những lối đi, bước chân đi qua đủ làm cho những cánh bướm xinh rung rinh và khi những đôi cánh nhấp nháy chớp bay trong một bản nhạc, cái đẹp khiến ta không thể không ngắm nhìn. Con nhện đang buông mành xà thấp, chú châu chấu nhảy tanh tách sau đám cỏ, bọ dừa lặng im trên lá...Dường như vạn vật đều đang bận rộn với công việc của bản thân mình, cũng ồn ào vội vã, cũng tất tả ngược xuôi, đâu đó trong cánh rừng sâu thẳm, các loài côn trùng đang làm cho rừng ngày một đẹp hơn.
Chúng tôi đi mải miết đắm say trong vẻ đẹp thiên nhiên buổi sớm ấy. Cái nắng hanh hao của mùa thu chỉ khẽ chạm nhẹ vào không gian. Bao lo toan và mệt mỏi đều tan ra cùng muôn màu sắc xinh tươi, và rồi cuối cùng lại nhẹ bẫng trong cái mộc mạc nhẹ nhàng của căn phòng gỗ sẫm.
Đi xa rồi mà Cúc Phương vẫn bình yên trong một góc tâm hồn, để rồi lưu luyến và rồi thi thoảng lại chạy về trong vòng tay của rừng già.
Theo: Afamily
0 nhận xét:
Đăng nhận xét