Thăm đảo Lý Sơn

Từ bến cảng Sa Kỳ, chỉ mất chừng 45 phút chòng chành trên tàu cao tốc, tôi đến đảo Lý Sơn - nơi cách đây gần 3000 năm những cư dân Sa Huỳnh đầu tiên đã sống và để lại cho hậu thế những câu chuyện đầy huyền bí về một vùng đất mang nhiều dấu ấn về lịch sử và nhân văn.

Huyện Lý Sơn có ba xã: xã An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và xã An Bình (đảo Bé). Giữa nghìn trùng sóng nước nhìn từ xa Lý Sơn trông giống con rùa biển khổng lồ dạo chơi trên biển .

Nhìn từ xa, Lý Sơn như một con rùa khổng lồ đang dạo chơi trên biển


Đảo Lý Sơn còn có tên gọi là cù lao Ré. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền . Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: “Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”. Vào đời vua Lê Kính Tông, năm 1604, có người từ đất liền ra định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất gọi là "Bát tổ".

Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2 với dân số chừng 2 vạn người nhưng có đến gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa ,miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền , ít bị ảnh hưởng của việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu ăn xổi nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại như chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa. . . Đình làng Lý Hải – một trong số rất ít các ngôi đình của vùng duyên hải miền Trung được giữ gìn nguyên vẹn đến bây giờ. Cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên Lý Sơn là vùng đất nằm chơi vơi giữa biển khơi này quanh năm đối chọi với sóng to gió lớn và muôn trùng bất trắc của biển khơi nhưng vẫn đầy kiêu hãnh vì đã ôm cả trên mình nó những dấu ấn văn hóa – lịch sử của hàng nghìn năm trước không phai mờ theo thời gian.

Điều dễ làm say lòng bất cứ ai đến Lý Sơn là màu trời, màu nước ở đây xanh ngắt. Tôi đã đến nhiều đảo to, đảo nhỏ ở khắp cả nước nhưng chưa có bầu trời ở đâu xanh như bầu trời Lý Sơn những ngày cuối tháng bảy này. Nước biển xanh biếc, ánh nắng trong suốt chảy trên từng ngọn cây, đọt cỏ trong như thủy tinh, bầu trời trong veo đẹp đến ngỡ ngàng. Và gió như bay từ muôn phía đến đây ngập hồn tôi...


Núi Thới Lới trên đảo Lớn. Một trong những ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng vạn năm. Dưới chân núi có hàng nghìn ngôi mộ chiêu hồn- những người lính đi Hoàng Sa- Trường Sa hi sinh ngoài biển khơi không trở về, ngư dân nơi đây nặn hình đất sét làm hình nhân thế mạng, chôn dưới ngôi mộ gió cầu mong linh hồn họ sớm được trở về với quê hương bản quán.

Đình làng An Hải - một trong những ngôi đình làng của miền Trung gần còn nguyên vẹn trải qua bao biến thiên của thời cuộc.


Đường vào chùa Hang


Chùa nằm dưới một phiến đá rộng sâu dưới mặt đất nên có tên là chùa Hang. Trong chùa lúc nào cũng mát rượi và phảng phất hương trầm. Vào đây tự dưng lại muốn đi tu quá.


Lý Sơn còn được mệnh danh là vương quốc tỏi.Tỏi ở Lý Sơn trồng trên cát trắng. Nền cát trắng trên bầu trời xanh, đẹp ko thể tả nổi.


Mẹ Bầu Bí giữa nắng, gió và bầu trời xanh ngắt trên đảo Lý Sơn


Mùa hè cá cơm rộ ở Lý Sơn. Cá cơm tươi đem hấp cuốn bánh tráng và rau muống đảm bảo ngon ko kém món sơn hào hải vị nào.


Lý Sơn có rất nhiều hải sản. Tôm, cua, cá, mực... bình thường lúc nào cũng tươi rói như mới vớt từ biển lên. Còn món ốc bàn tay này thì hơi bị hiếm ở đất liền nhưng ở Lý Sơn thì bán đầy ngoài chợ. Đây là món ốc hấp gừng chấm với muối tiêu. Nhìn đã thấy ngon mắt rồi.


MeBauBi
Theo Tinnhanhblog.com
Share on Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét