Sao không về thăm La Dạ…

TTO - Sau hai ngày khám phá Đà Lạt, ba lô trên lưng cùng con ngựa sắt, chúng tôi về Sài Gòn bằng cung đường mới, tỉnh lộ 714. Sáng tinh mơ, từ ngã ba Quẹo, cả nhóm thẳng tiến La Dạ theo lời rủ rê "sao không về thăm La Dạ” của người bạn đang làm kiểm lâm ở rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, khám phá cung đường mới hoang sơ nối Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Hàm Tân (Bình Thuận).

Quả thật, cung đường thẳng tắp, vắng người và xe cộ cùng đồi núi chập chùng hai bên đã mê hoặc chúng tôi ngay từ phút giây đầu tiên.

Bon bon trên cung đường vào xã La Dạ, càng mãn nhãn khi xa xa là cảnh mây núi xứ B’Lao quấn quýt vào nhau hữu tình. Những con thác nhỏ ven đường tuyệt đẹp tung bột trắng xóa níu các tay máy vào chụp hình. Những khúc đường ngoằn ngoèo như muốn thử lòng gan dạ của lữ khách mê khám phá.

Trôi chầm chậm qua những khúc cua nguy hiểm với “núi một bên và suối một bên”, khi ngoảnh nhìn lại, cung đường cong cong, uốn lượn phía sau như con rắn khổng lồ đang trườn mình qua những quả đồi đầy cỏ cây. Cung đường đến La Dạ càng đẹp hơn khi được điểm tô bởi những chùm lan rừng đủ màu đang độ khoe sắc. Thi thoảng bên đường còn bắt gặp những cây khô với hình thù kỳ dị tuyệt đẹp.

Vượt qua vài con dốc nhỏ của đoạn đường gập gềnh, nhiều ổ voi, chúng tôi đến với La Dạ.

La Dạ là một xã nhiều đồng bào K’Ho. Trong nhịp sống mới, những ngôi nhà xây cao nền, mái tôn màu đã dần thay cho những căn nhà sàn truyền thống vốn rất tốn gỗ. Rừng La Dạ trong (một phần của rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi) được đồng bào nơi đây xem là rừng thiêng. Theo sự vận động của Nhà nước, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc bây giờ đã xung phong làm kiểm lâm, bảo vệ rừng già La Dạ của mình.

Đổi thay nhiều nhưng La Dạ vẫn còn nhiều nét văn hóa độc đáo, một bề dày lịch sử truyền thống đang chờ lữ khách khám phá.

Nếu đến đây vào dịp tết của đồng bào K’Ho (thường kéo dài 7-10 ngày vào tháng 12 dương lịch khi mùa màng thu hoạch xong), bạn sẽ có dịp dự lễ hội đâm trâu cùng đồng bào K’Ho và nhảy múa theo nhịp cồng chiên cùng những âm thanh độc đáo mang âm hưởng núi rừng. Các loại nhạc cụ có khả năng hòa âm với lời ca hoặc độc tấu như bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu (kơmbuat), đàn ống tre (kơrla), trống (sơgơr) là nhạc cụ truyền thống người K’Ho... sẽ làm bạn bất ngờ.

Dừng chân trước trường tiểu học La Dạ đúng giờ tan trường, bạn bè tôi thích thú với đàn chim non của núi rừng ùa ra reo vui, chỉ trỏ khi thấy khách lạ đến với buôn làng. Cùng lúc đó, một đoàn cứu trợ từ TP.HCM đến khám, cấp phát thuốc, tặng quà cho đồng bào nghèo La Dạ. Niềm vui của “những thiên thần nhỏ” (từ dùng của một nghệ sĩ trong đoàn từ thiện) càng được nhân lên khi vừa tan học liền được tặng tập sách, cặp mới… vừa được hát cùng các ca sĩ Sài Gòn.

Nhìn những ánh mắt thơ ngây, sáng ngời và nụ cười tươi rói của bọn trẻ khi mân mê trong tay những món quà, ai cũng cảm thấy vui lây...

PHẠM DU KÝ

Share on Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét