Chánh điện
Cặp rồng chầu
Nét độc đáo của kiến trúc
Từ Quang tự là nơi thờ phụng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tất cả các pho tượng Phật uy nghiêm, nhân từ, đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Thuở Cà Mau còn hoang vu, đường đến chùa chỉ là con đường lầy lội, có một nhà sư về khai mở cửa Thiền, thêm một tiếng chuông từ bi vào đất Phật. Đó là vào năm 1969, đạo hữu Nguyễn Huê Hùng hiến đất xây chùa, vị sư trụ trì đầu tiên là thầy Thích Thiện Đức.
Từ Quang tự vào mùa Vu lan mang theo ngọn gió Tây Nam ngày đêm thổi vào hướng chánh điện, làm chiếc lá bồ đề rơi xạt xào; bông giấy trắng, bông trang hồng đu đưa theo từng cơn gió, như dâng lên tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát màu trắng thanh cao.
Cổng chùa có một cửa chính và hai cửa phụ (tam quan – tam thế Phật) trước cổng là một đôi rồng chầu, tượng trưng cho vùng đất thiêng, tô thêm sự uy nghi, hùng vĩ. Vào cổng chùa là đôi rồng vàng án ngữ giữa sân, miệng chầu lư hương lớn, phía sau cặp song long là ao sen với hoa nở ánh hồng cả mặt nước; kế đến là một con rồng lớn, miệng phun nước xuống ao sen (tượng trưng cho mưa thuận gió hòa); trên lưng rồng là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện, tay cầm lọ nước cam lồ như ngự thế xuống trần gian; bên phải là giảng đường, bên trái là tượng Phật Di Lặc ngự trong khuôn viên thoáng mát.
Từ Quang tự có lối “kiến trúc mở”, thông thoáng, vừa ngăn được tia nắng bức xạ mặt trời, vừa có thể ngăn chặn được mưa bão, tạo cho con người có cảm giác mát mẻ. Mái chùa được thiết kế theo kiểu xà thấp, rồi cong vút lên, thanh thoát ở bốn đỉnh đao, tượng trưng cho hình ảnh con thuyền bồng bềnh trên sông nước chín rồng. Màu sắc tự nhiên luôn là nền tảng của hệ thống kiến trúc ngôi chùa, ngoài hai màu vàng, đỏ, còn có màu xám trắng của gạch nền, tạo nên nét giản dị mà tao nhã.
Chùa gồm có chánh điện, phòng khách để tiếp thập phương bá tánh vãng lai. Phía sau bàn thờ Tổ là Phương trượng (phòng thất) của Ban Trụ trì và Tăng xá dành cho Tăng sinh nội trú tu học. Bên trong là Tổ điện gồm 3 gian, bố trí 3 quá đường để chư Tăng thọ chay mỗi ngày. Giữa Tổ điện, thờ tượng Phật Di Lặc, chư liệt vị Tổ sư cùng linh vị những người quá cố. Trên chánh điện ghi bốn chữ Đại Hùng Bửu Điện và rất nhiều câu đối, bức họa, thể hiện sự hòa hợp giữa Phật giáo và tinh thần dân tộc, lòng yêu Tổ quốc, đó cũng là truyền thống của nhân dân ta, Đạo không tách Đời, và sống giữa đời theo tinh thần đạo Phật.
Tượng Phật Di Lặc
Quan Âm thị hiện
Chùa Từ Quang
Và vị sư chuyên làm từ thiện
Để có những giây phút thật thư thái, thả tâm hồn vào hư vô cõi Phật, du khách đến Cà Mau hẳn không thể bỏ qua chùa Từ Quang, ngôi chùa mới xây nhưng vẫn hoài cổ với sắc màu ấm áp của gỗ, của đất... Ngày nay, Từ Quang tự được điều hành bởi thầy Thích Phước Lợi, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Với tấm lòng từ bi hỷ xả, Thầy cùng phật tử ở chùa đã quyên góp, vận động công đức để chia sẻ, giúp đỡ người nghèo.
Chẳng phải ngẫu nhiên thầy Thích Phước Lợi lại “gắn” mình với “cái nghiệp” đi làm từ thiện. Xuất gia từ huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), thầy chứng kiến cảnh những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa phải đi ăn xin; những gia đình khó khăn, túng thiếu... thầy không sao kìm lòng được. Cái Tâm thương người, lại từng trải qua những cảnh ngộ ấy, thầy đã dành phần lớn thời gian của mình cho việc làm từ thiện, giúp đỡ dân nghèo.
Thầy được tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong công tác từ thiện. “Tôi chỉ góp chút tâm sức mình vào đó! Cuộc sống còn nhiều cảnh ngộ đáng thương lắm, tôi giúp người cũng chính là giúp mình, người ta bớt khổ thì tâm mình cũng thanh thản” - thầy Thích Phước Lợi chia sẻ.
Mỗi chiều, tiếng chuông ngân lên giữa thành phố như rót vào lòng người một niềm an lạc, một lời nhắc nhở về cái thiện giữa đời và cũng là cái đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam.
HUỲNH LÂM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét